Pages

Wednesday, May 7, 2014

NHỮNG MÙA HOA ĐẸP CỦA NÚI RỪNG MIỀN BẮC

NHỮNG MÙA HOA ĐẸP CỦA NÚI RỪNG MIỀN BẮC


Có lẽ chúng ta đều đã từng nghe nói về vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng miền Bắc và mong muốn một lần đặt chân qua các nẻo đường hoa của chốn núi rừng. Hãy theo chân chúng tôi và khám phá vẻ đẹp của những cánh đồng hay thung lũng hoa ở đây các bạn nhé!

Hoa cải - Cuối đông đầu xuân

Bên cánh đồng hoa cải vàng

Vào thời điểm cuối đông đầu xuân, vùng Cao nguyên đá Đồng Văn bung nở hoa cải. Một màu vàng rực lên trong nắng mới nổi bật giữa màu xám của đá, màu xanh của cây cỏ. Nhìn từ xa cả một sườn núi, cả một thung lũng rực lên màu hoa cải ẩn hiện giữa làn sương sớm bảng lảng, giữa cái rét tê tê mà lòng nao nao một cảm xúc thật khó tả. 

Cả thung lũng tràn ngập hoa cải vàng

Có nhiều người khi lên Đồng Văn rồi khi về cứ như vương vấn nhớ một điều gì đó, cảnh vật nơi đây thật khác lạ, con người nơi đây thật thân tình, đầm ấm. Có người may mắn được ăn được ăn bữa dưa cay của đồng bào khi về còn nhắc mãi, coi đó là một trong những kỷ niệm suốt đời cũng không quên được! 

Cánh đồng hoa nằm giữa thung lũng

Hoa cải ở Phố Cáo được người dân trồng làm rau ăn phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Khi cây cải già hơn một chút thì đem muối làm dưa, khi già hơn nữa thì làm thức ăn cho lợn, một số thì để làm giống lấy hạt cho vụ sau. Hoa cải được trồng rất đơn giản chỉ thả hạt cải xuống đất là xong, không cần tưới tắm hay chăm bón gì.

Cánh đồng hoa cải vàng rực vào cuối đông đầu xuân

Trên Cao nguyên đá Đồng Văn đẹp nhất là mùa hoa tam giác mạch, tiếp theo sau đó là mùa hoa cải. Từng cánh hoa vàng óng trải thảm trên vùng đá xám lung linh, rực rỡ, thơ mộng, duyên dáng. Hoa cải trên Cao nguyên đá được nhiều người biết nhất là ở Sủng Là. Nằm giữa bốn bề là núi, thung lũng Sủng Là như đẹp hơn nhờ có nhà cổ, hoa tam giác mạch và hoa cải. Ít ai biết rằng ở cách đó không xa, ở Thài Phìn Tủng cũng có hoa tam giác mạch và hoa cải không kém gì với Sủng Là.

Vui đùa trên cánh đồng hoa cải vàng

Nằm ngay cạnh quốc lộ 4C từng vạt hoa cải cong cong theo con đường, kéo dài vào tận chân núi. Hoa cải nơi đây được trồng theo kiểu quảng canh, hạt gieo xuống rồi chờ đợi, cây lớn lên ra thu hoạch đem về không hề phải chăm chút hay bón gì cho nương cải. Cây cải lớn lên nhiều khi phải chen chân với cỏ để có chút ánh nắng cho xanh lá đơm hoa. Có nhiều đám nương cây cải phải sống chung với đậu hà lan, đậu răng ngựa. Bên cạnh màu vàng, màu trắng của hoa cải còn có thêm màu tím của đậu răng ngựa, đậu hà lan, màu của hoa cỏ cho thảm hoa thêm mầu sắc lung linh dưới nắng, óng vàng rực rỡ.

Dàn nhạc bù nhìn trên cánh đồng hoa cải vàng

Hai bên con đường dài nằm giữa khe núi vắt qua Thài Phìn Tủng từng đám hoa cải vàng rực dưới làn sương khói chiều buông. Nơi đỉnh núi mây trắng đã về đậu, đàn gà nháo nhác tìm chỗ ngủ, bầy trẻ nô đùa với trò chơi quay và đuổi bắt. Làng xóm êm đềm, khói bếp hòa vào mây, xa xa vài bóng người gùi hoa cải về nhà, họ chuẩn bị cái ăn cho đàn lợn vào buổi sáng hôm sau. Màu vàng từ nương về nhà mang theo sương gió, đất trời, đá núi vào cuộc sống người dân, bình dị, đơn sơ mà ấm áp nghĩa tình.
Hoa Bồ công anh - Cuối xuân hoặc cuối thu
"Sao lại kêu hoa dại?
Hoa nào là hoa khôn?
Sự khôn, dại lấy gì định giá?
Khi hoa kia biết làm đẹp tâm hồn"

Nếu hoa hướng dương luôn hướng về Mặt trời

Bồ công anh mọc hoang tại nhiều tỉnh miền Bắc ở Việt Nam. Dân đi phượt cung đường Tây Bắc kiểu gì cũng bắt gặp loài hoa này trên đường đi rất nhiều. Đây là loại cây rất dễ trồng bằng hạt, mùa trồng vào tháng 3 - 4 hoặc 9 - 10, cũng có thể trồng bằng mẩu gốc, sau 4 tháng là có thể thu hoạch được rồi đấy.

Bồ công anh thường được chọn trong trò chơi đếm cánh hoa tình yêu. Không chỉ thế, do hoa nở và tàn theo giờ, những người chăn cừu thường xem loại hoa dại này như một chiếc đồng hồ vậy. Lá của bồ công anh thường được hái về dùng làm thuốc. Ta có thể dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô để dùng dần, không cần chế biến gì đặc biệt. Những bông hoa bồ công anh vàng rực, những chiếc lá dài, xanh thẫm với những chiếc răng cưa nhọn hoắt như những chiếc răng nanh của con sư tử. Ví thế người ta còn gọi cây hoa này là cây Răng Sư Tử.

Hoa bồ công anh còn được gọi là răng sư tử

Truyền thuyết về loài hoa này cũng khá ly kỳ!
“Xưa kia, Răng Sư Tử nằm đủng đỉnh bên trên đồng cỏ dại, ôm ấp những cánh hoa vàng như màu nắng của nó. Người chàng yêu chính là đoá hoa Bồ Công Anh nở rộ từ chính trong vòng tay ấm áp của chàng.

Răng Sư Tử trọn vẹn yêu Bồ Công Anh!

Bỗng một ngày, người con trai tên là Gió xuất hiện. Gió ập tới khiến Bồ Công Anh choáng ngợp trước vẻ phong lưu và bất cần của chàng. Nàng yêu Gió, trong sáng và trọn vẹn. Nhưng Gió là đứa con của Ngao Du và Mạo Hiểm nên cứ ào ạt thổi qua. Bồ Công Anh cố níu giữ, cố nắm bắt Gió bằng thân hình mảnh dẻ của mình, nàng vươn mình ra đi theo Gió.
Răng Sư Tử nhói lên trong lòng, tuyệt vọng giơ những cánh tay xanh biếc ra, giữ chặt lại Bồ Công Anh trắng muốt nhưng vô ích. Những cánh hoa Bồ Công Anh xinh đẹp và mềm mại đã tự tách khỏi nhuỵ hoa, để bay cùng chiều với Gió mất rồi.
Và ngày ngày, những người nông dân đi trên cánh đồng vẫn nghe tiếng Răng Sư Tử thì thầm cùng với chàng Gió từ miền xa thổi đến, hỏi những cánh Bồ Công Anh đã được Gió mang tới nơi đâu... ‘Ở nơi đó, cô ấy sống thế nào?’. Gió im lặng, Gió không thể mang Bồ Công Anh đi mãi. Cô gái ấy rơi xuống trên những cuộc hành trình, vùi mình vào trong đất, để rồi lại hồi sinh thành những đứa con và đặt tên chúng là Răng Sư Tử...


"Cội nguồn của Hoa chính là nhựa chảy trong máu của cây."
Cây có Hoa, nhưng không giữ được Hoa.
Hoa chỉ luôn vươn mình theo Gió.
Gió lại khó nắm bắt, lại chỉ biết yêu những cuộc hành trình.
Và khi cơn Gió qua rồi,
Hoa mới biết: Cội nguồn của mình là nhựa chảy trong máu của cây...”
Hoa đào - Cuối đông đầu xuân
Mọi người vẫn quen gọi đào Mộc Châu, Sa Pa là đào rừng để phân biệt với những loại đào được chăm chút cẩn thận trong những khu vườn dưới đồng bằng. Họ thích đào rừng bởi cái vẻ tự nhiên, hoang dã, cổ kính, không đài các sang trọng như đào thế. Gọi chung là đào rừng vậy thôi, tìm hiểu kỹ ra, đào Mộc Châu cũng có dăm ba loại: đào bích, đào mèo, đào Pháp, đào Mỹ, đào phai…, loại nào cũng có vẻ đẹp riêng.
Đào bích được đem từ vùng đào Nhật Tân (Hà Nội) lên thường nở trước Tết Nguyên đán 2 tháng. Loại đào này, được trồng ở Mộc Châu như cô gái cá tính mạnh mẽ được đặt giữa vùng đất phóng khoáng, tự do vẫy vùng. Cho nên, nó không theo một thế nào cả, mạnh cành nào cành ấy lớn, những bông hoa đài các nay bỗng có phần hoang dại: cánh vẫn nhiều, màu vẫn rực rỡ, nhưng nụ mập, hoa lớn hơn. Mà đã mạnh mẽ thì khi nở nó cũng phải nở bung ra không e ấp, những cánh hoa vươn hết cỡ, xong là rã rời, tàn tạ. Nhiều người không thích bích đào bởi thế, cho dù nó đã nở là cả cây chi chít hoa, rực rỡ hoa từ gốc đến ngọn, đọt mầm xanh chỉ điểm vào thấp thoáng tô cho màu đỏ thêm thắm, màu hồng thêm rạng ngời.

Đào Pháp, đào Mỹ mới được du nhập vào Mộc Châu vài năm gần đây để lấy quả là chính. Quả khác hẳn đào rừng, ruột vàng ươm, nhiều nước, ăn mềm, có loại quả nhẵn, không có lông, màu đỏ rực rỡ như quả mận và rất giòn. Giống này thường ra hoa sớm, trước tết độ một tháng, cũng nhiều hoa như bích đào, nhưng nhanh tàn và cánh nhạt hơn.

Hoa đào bên nếp nhà đơn sơ

Giờ xin được gọi đào phai, đào Mèo là đào rừng cho dễ phân biệt với các giống đào trên. Gọi là đào rừng bởi nó đích thực sinh ra, ăn gió, uống sương và lớn lên từ núi rừng Tây Bắc. Đào mơ, hay gọi là đào phai trước còn nhiều, giờ ở Mộc Châu cũng chỉ còn thấp thoáng, vì quả bé, ăn lại chát, không có giá trị kinh tế. Bởi gọi là đào phai nên cánh hoa chỉ phơn phớt hồng, nụ nhỏ, lại thon chứ không mập như đào bích. Đào Mèo là giống cây đặc trưng của người Mông, quả to, ăn giòn, hạt lúc nào cũng đỏ như son, loại này mấy năm nay có giá. Bởi những cây đào xù xì rêu mốc cứ giáp Tết Nguyên đán mới nở hoa. Cả 2 giống này, trên mỗi bông hoa chỉ vỏn vẻn 5 cánh mỏng manh, cánh nào cũng thon gọn, e ấp như thiếu nữ mới lớn. Cuống hoa, đài hoa có màu đỏ sậm, cái đỏ ấy lan dần ra, đến đầu cánh chỉ còn phớt hồng.

Khác với vẻ lộng lẫy của đào bích, đào phai đẹp thanh tao, ôn nhu hơn
Nhiều người thích đào rừng bởi vẻ đẹp tự nhiên, mong manh, hoang sơ đó.Màu hồng tưởng nhợt nhạt, năm cánh tưởng như mỏng manh ấy lại thể hiện sự hòa hợp của con người, thiên nhiên Tây Bắc. Thử vào những bản làng người Mông mà xem, những nếp nhà trệt ghép lại từ những tấm gỗ, chẳng cần phải sơn, đánh bóng, những khe hở có khi gió vẫn lùa xuyên qua, nền nhà nhiều khi không nhất thiết phải đổ bê tông. Người làm nên nếp nhà ấy thường giản dị, mộc mạc. Bây giờ, nếu đặt vào đầu hồi những ngôi nhà ấy một cây bích đào trong màn sương bảng lảng sẽ thấy không phù hợp chút nào. Ấy là một sự chắp ghép hơi sượng, nó không ăn khớp với nhau. Những cánh đào phớt hồng phải đặt cạnh ngôi nhà trệt giữa khói sương của núi rừng nó mới hòa quyện với nhau, tôn nhau lên, mới ra hồn tây bắc, như ăn bát phở phải có hạt tiêu mới đúng vị...


"Lạc hoa hữu ý - Lưu thủy vô tình"
[Hoa rơi hữu ý - Nước chảy vô tình]
Thời điểm nở của mỗi loại hoa đào
Vào giữa đông, Mộc Châu còn gây cho du khách một sự bất ngờ thú vị với hoa đào Pháp nở sớm. Hoa đào Pháp có màu nhạt và ít cánh so với giống đào rừng vốn nở vào mỗi dịp tết âm lịch ở Mộc Châu. Giống đào này chính là giống đào Pháp, hay đào chín sớm của Mộc Châu, chúng thường ra hoa sớm.

Hoa đào Pháp thường nở sớm, khoảng giữa đông

Giống đào mới này đã nhanh chóng hòa hợp với khí hậu và đất đai Mộc Châu, giờ nó trở thành một trong những nét lạ của vùng đất nhiều sương giăng mây phủ này. Tuy hoa đào nở sớm không có ở nhiều nơi nhưng những cánh hoa đào phớt hồng điểm xuyết trên những cánh đồng hoa cải trắng càng làm cho vẻ đẹp của cao nguyên Mộc Châu trở nên lung linh, độc đáo.
Đầu xuân, đào rừng, đào mèo bắt đầu nở hoa rực rỡ, những bản làng người Mông khu vực xã Lóng Luông đẹp như một thiên đường với sắc hồng quyến rũ. Bởi thế, Mộc Châu đã trở thành thiên đường chụp ảnh cho khách du lịch và biết bao lứa đôi từ Nam ra Bắc.
Dù là xứ nào, dù là loài hoa nào, mỗi mùa hoa đều biết cách tô điểm cho miền đất thêm phần duyên dáng theo cách riêng của nó!

Hãy chia sẻ bài viết này với bạn bè của bạn nhé!
Facebook Email

0 nhận xét:

Post a Comment